Tuesday, July 7, 2009

Biet Kich Nhay Bac / Nha Ky Thuat

Biệt Kích Nhảy Bắc trong cuộc chiến Việt Nam (bai III)

Hình bên: Toán Swan trong “Nhà An Toàn” tại Sài Gòn năm 1962. Từ trái, BK Nông Công Ðịnh, (toán trưởng tử trận), BK Lý A Nhì (hiện cư ngụ tại Dallas Fort Worth, Texas), BK Ðàm Văn Ngô (truyền tin), BK Ðàm Văn Tôn (tử trận), BK Nông Văn Hính (toán phó kiêm truyền tin, hiện cư ngụ tại Westminster, California). Còn thiếu một toán viên, không có trong hình là BK Mã Văn Ban (bị tử hình). (Hình: Biệt Kích Nhảy Bắc cung cấp)

Bài III: Sở Công Tác Nha Kỹ Thuật, nơi phát sinh những chiến sĩ Biệt Kích Nhảy Bắc.

Nguyên Huy/Người Việt

Có thể nói những hoạt động của Sở Công Tác Nha Kỹ Thuật-Bộ Tổng Tham Mưu-Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là nơi đã phát sinh ra những chiến sĩ Biệt Kích Nhảy Bắc. Ðó là một bộ phận gồm nhiều quân nhân, phần lớn là sĩ quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Công tác chính yếu của các sĩ quan này là đi tuyển mộ, lập thành những toán để được huấn luyện, thực hiện các chuyến hành quân thả người ra Bắc, theo dõi và điều hành công tác với những toán đã thả, lập chương trình thu hồi toán sau một thời gian được qui định (ngắn hay dài hạn).

Về việc tuyển mộ, các sĩ quan trưởng công tác thường xuyên liên lạc với các đơn vị trong quân đội, phòng hay ban quản trị để lục tìm hồ sơ các chiến sĩ, sĩ quan có đủ điều kiện gia nhập công tác. Những tiêu chuẩn thường là người miền Bắc, đặc biệt là các dân tộc thiểu số, những người theo Công Giáo, còn gia đình hay thân nhân ở lại ngoài Bắc sau năm 1954. Mặt khác, các sĩ quan trưởng công tác cũng nhờ các nhân sĩ trong cộng đồng sắc tộc, các nhà hoạt động chính trị, các vị linh mục giới thiệu cho những ai có lòng với đất nước và dân tộc. Sau khi được giới thiệu rồi, thường các sĩ quan trưởng công tác phải mất một thời gian làm quen, dọ ý các đối tượng. Sau khi đã biết chắc đối tượng thỏa thuận cộng tác, các đối tượng sẽ được chuyển về một nơi để làm thủ tục gia nhập.

Về việc huấn luyện, sau khi hoàn tất thủ tục, đối tượng được chuyển về Trung Tâm Huấn Luyện Quyết Thắng ở Long Thành để được huấn luyện về nhiều môn (thường là 9 môn) trong đó có nhảy dù ngày và đêm, trèo cây, học sử dụng vũ khí (vũ khí từ các nước Tây Âu, tuyệt đối không có vũ khí do Hoa Kỳ sản xuất), học về mưu sinh, thoát hiểm, học về truyền tin và học về tâm lý chiến (cách thực hiện truyền đơn thạch bản, cách thả truyền đơn bằng súng phóng...). Sau một thời gian được huấn luyện, các chiến sĩ biệt kích được chuyển vào Khu Cấm ở Long Thành chờ ngày xuất phát. Kể từ giờ phút này, người chiến sĩ Biệt Kích Nhảy Bắc không còn được có một liên lạc nào với bên ngoài. Chỉ một người duy nhất được tiếp xúc là sĩ quan trưởng công tác.

Từ lúc được tiếp xúc đến khi đi công tác, người lính Biệt Kích Nhảy Bắc thường phải qua một thời gian tương đối là một năm. Có toán kéo dài đến hai năm hay hơn và có thể sau cùng hủy bỏ, giải tán luôn, tùy theo tình hình và tin tức tình báo, an ninh. Cho đến thời gian vào Khu Cấm, những người lính Biệt Kích Nhảy Bắc luôn luôn tràn đầy nhuệ khí chiến đấu, công tác. Lý tưởng của tuổi trẻ lúc nào cũng rõ ràng trong tâm trí. Nhiều người cho biết rất nôn nóng được thả về quê hương bản quán, gặp lại người thân, bà con chòm xóm đã xa cách nhau 2, 3 năm trời kể từ khi di cư.

Họ mong muốn tạo được một phong trào nổi dậy chống độc tài Cộng Sản, mang lại cho bà con thân thuộc của họ cuộc sống ấm no như ở trong Nam. Họ vốn là những thành phần trẻ trong quân ngũ, nhiều người còn chưa rời khỏi ngưỡng cửa gia đình. Những phong trào chống Cộng mạnh mẽ được phát động trong dân chúng dưới thời chính phủ Ngô Ðình Diệm đã xây đắp cho họ lý tưởng, cho họ thấy được và hiểu được sự độc tài khát máu của chế độ Cộng Sản. Họ đã có được sự căm thù và họ cũng có được vị lãnh tụ anh minh là Tổng Thống Ngô Ðình Diệm kiên quyết chống độc tài Cộng Sản. Nhiều người đã cương quyết ra đi chỉ vì lãnh tụ này. Nên khi cuộc chính biến ngày 1 Tháng Mười Một, 1963, nổ ra, chính phủ Ngô Ðình Diệm bị lật đổ, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bị thảm sát thì một số lớn các toán đã từ chối không lên đường ra Bắc nữa vì, theo họ: “Chúng tôi ra Bắc chiến đấu vì tổng thống, nay tổng thống không còn, thì chúng tôi không đi nữa”. Ðó là các toán của trưởng công tác, Ðại Úy Michel vào đầu năm 1964.

Ðể tạm thời giải quyết vấn đề gần như “lãng công” trên, Sở Công Tác đưa một sĩ quan trẻ ngành tâm lý chiến mới ra trường xuống trung tâm Long Thành tìm cách làm yên lòng những người chống đối. Quả là một công việc ngoài sức của một chuẩn úy mới ra trường trong ngành tâm lý chiến. Nhưng may mắn làm sao, sau một buổi nói chuyện trong Khu Cấm, người sĩ quan trẻ tuổi này đã tạm thuyết phục được số anh em biệt kích chống đối.

Người sĩ quan này đã lý luận rằng: “Chúng ta chiến đấu cho đất nước Việt nam, cho dân tộc miền Bắc thoát khỏi gông cùm Cộng Sản chứ không phải chiến đấu vì một người, một chính phủ nào. Những chế độ chính trị, những chính phủ ví như những bộ áo khoác ngoài cho thân thể. Thân thể là quốc gia, là dân tộc. Thể chế chính trị, các chính phủ chỉ như những bộ áo quần khoác ngoài thân thể. Nên chính phủ của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bị lật đổ nay thay bằng một chính phủ khác để cho được hợp lòng dân hơn cũng ví như chúng ta thay bộ quần áo mát khi Mùa Ðông đã hết, thì mục đích chiến đấu của chúng ta là quốc gia, là dân tộc vẫn còn đó có thay đổi gì đâu.”

Lý luận đó đã khiến nhiều anh em biệt kích suy nghĩ lại và sau cùng đã nhận lên đường.

Do từ nhu cầu của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ mà Bộ Trưởng Mc Namara quan niệm rằng: “Phải có một chiến dịch lớn hơn bằng cách tung thật nhiều toán biệt kích ra Bắc” nên công việc tổ chức Biệt Kích Nhảy Bắc được hai phía Việt-Mỹ khai triển mạnh. Trong khi đó, tác giả Richard H. Schultz, trong cuốn “Secret War Against Ha Noi,” cho biết rằng Trung Tá Ed Partain, chỉ huy chiến dịch OP 34, “chưa được chuẩn bị sẵn sàng để chỉ huy công tác này” mặc dù ông ta là một sĩ quan ưu tú, tốt nghiệp từ quân trường nổi tiếng Westpoint của Hoa Kỳ. Vẫn theo Schultz trong cuốn sách trên thì cả những sĩ quan sau đó là Trung Tá Reginald Woolard và Robert Mc Lane cũng đều “không có chút kinh nghiệm gì về hoạt động này”. Còn về phía Việt Nam, khi người Mỹ muốn “xê ra để tao chống Cộng”, người Mỹ đã nắm hầu bao thì phía Việt Nam dù có kế hoạch hay ý kiến thay đổi gì cho phù hợp với tình hình thực tế miền Bắc trong nanh vuốt Cộng Sản, cũng khó lòng mà thực hiện được.

(Còn tiếp)

Ngày mai, Bài IV: Những hoạt động của Biệt Kích Nhảy Bắc được ghi nhận qua một số tài liệu đã được bạch hóa.

No comments:

Post a Comment

Đại Tá Dư Quốc Lương CHT Sở Không Yễm Nha Kỹ Thuật từ 1961 đến 1975

Dư Quốc Lương (Nguyên Đại tá Không quân Việt Nam Cộng hòa, sinh năm 1930, tốt nghiệp khóa 2 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, chức vụ sau cùng là C...